Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Quảng Thịnh  - TP.Thanh Hóa

1. Lịch sử hình thành
Quảng Thịnh là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng và văn hiến của huyện Quảng Xương trước đây và thành phố Thanh Hóa ngày nay. Cũng như nhiều vùng quê trong tỉnh Thanh Hóa, từ thửa khai đất lập làng, xây dựng làng xã, người dân nơi đây đã trải qua biết bao gian lao, thử thách chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và từng bước trưởng thành. Quá trình tôi luyện đó đã hình thành và hun đúc nên những giá trị tinh thần và cũng là niềm tự hào, niềm tin của các thế hệ người dân xã Bất Quần xưa - Quảng Thịnh ngày nay.
Quảng Thịnh nằm liền kề nơi khảo cổ học tìm thấy dấu tích cư trú của con người từ thời Văn hoá Đông Sơn (cách ngày nay khoảng hai ngàn năm) tại các địa điểm Cồn Bần, Đồng Mẩy (di chỉ cư trú) và Cồn Ổi (di chỉ mai táng) thuộc phường Quảng Thắng (thành phố Thanh Hoá). Tại đây đã tìm thấy nhiều hiện vật thuộc nền văn hoá Đông Sơn như đồ đồng và sắt gồm: rìu, giáo, dao găm, thạp, thố…. đặc biệt là 4 trống đồng Loại I và hàng trăm hiện vật chất liệu gốm… Chứng tỏ cư dân vùng đất nơi đây, trong đó có Quảng Thịnh đã khai khẩn đất đai làm nông nghiệp trồng lúa ven sông cổ Bà Mã (sông Nhà Lê) lập làng từ thời văn hoá Đông Sơn, đóng góp xây dựng bộ Cửu Chân (Thanh Hoá là một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước).
Thời thuộc Hán (từ năm 111 trước Công nguyên) vùng đất Quảng Thịnh nay thuộc đất huyện Cư Phong.
Thời thuộc Ngô - Tấn - Tống - Tề - Lương (năm 210-581 sau Công nguyên) vùng đất Quảng Thịnh thuộc huyện Kiến Sơ (phía Bắc Quảng Xương hiện nay).
Thời thuộc Tuỳ - Đường (năm 581-906) thuộc huyện Long An, sau đổi là Sủng An; năm 712 đổi là Sủng Bình; năm 758 là Châu Ái.
Thời Đinh - Lê - Lý - Trần - Hồ (Thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV) thuộc huyện Vĩnh Xương.
Thời thuộc Minh (đầu thế kỷ XV) thuộc huyện Duyên Giác (vùng Bắc Quảng Xương ngày nay), châu Cửu Chân thuộc lộ (sau là trấn) Thanh Hoá.
Thời Hậu Lê, đời Lê Thánh Tông (1460-1497) năm Quang Thuận thứ 10 (1469) là vùng đất thuộc huyện Quảng Xương (tên Quảng Xương có từ đây) thuộc phủ Tĩnh Ninh, trấn Thanh Hoá.
Đầu thế kỷ XIX, thời Nguyễn – đời vua Gia Long (1802-1819) đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888) vùng đất Quảng Thịnh nay thuộc xã Bất Quần (gồm các thôn Thọ Sơn, Ngọc Am, Quảng Độ) và xã Lưu Vệ (gồm các thôn Trường Tại, Vạn Thu, Phúc Mãn) thuộc tổng Lưu Vệ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổng Lưu Vệ chia thành 2 tổng: Lưu Thanh và Vệ Yên, các làng của Quảng Thịnh ngày nay thuộc tổng Vệ Yên, huyện Quảng Xương.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bỏ đơn vị tổng, huyện Quảng Xương thành lập 39 xã đặt theo tên các nhà yêu nước hoặc danh nhân địa phương. Các làng Ngọc Am, Quảng Độ, Trường Tại, Vạn Thu và Hoàng Mãn lập thành xã Trịnh Huệ.
Tháng 4/1948, Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Quảng Xương từ 39 xã sáp nhập thành 17 xã, đều lấy từ “Quảng” làm tên đầu. Thời điểm này, hai xã Trịnh Huệ và xã Hoàng Ngũ Phúc sáp nhập thành xã Quảng Thắng.
Tháng 12/1953, sau giảm tô, xã Quảng Thắng chia thành 2 xã: Quảng Thịnh (Trịnh Huệ) và Quảng Thắng (Hoàng Ngũ Phúc). Tên gọi xã Quảng Thịnh bắt đầu từ đây gồm có 14 xóm (Thịnh Ngọc, Thịnh Hùng, Thịnh Vạn, Thịnh Thu, Thịnh Tiến, Thịnh Lộc, Thịnh Tăng, Thịnh Thọ, Thịnh Gia, Thịnh Lưu, Thịnh Bình, Thịnh Giang, Thịnh Trung, Thịnh Sơn).
Đến năm 1990, thực hiện Quyết định số 787/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá, xã Quảng Thịnh thành lập 8 thôn: Thịnh Ngọc, Thịnh Hùng, Thịnh Tăng, Thịnh Vạn, Tiến Thọ, Gia Lộc, Quyết Thắng, Trường Sơn.
Ngày 06/12/1995, Chính phủ ra Nghị định số 85/NĐ-CP sáp nhập 30,9ha phía đông và phía tây Quốc lộ 1A vào phường Đông Vệ; sáp nhập 18,09 ha và 140 nhân khẩu vào xã Quảng Thắng, thành phố Thanh Hoá.
Ngày 01/7/2012, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 29/2/2012 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, xã Quảng Thịnh sáp nhập về thành phố Thanh Hoá trên cơ sở 8 thôn nói trên.
Ngày 01/02/2021, thực hiện Nghị quyết số 1108/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường thuộc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá; xã Quảng Thịnh chính thức trở thành phường Quảng Thịnh. 
2. Hệ thống chính trị
Quảng Thịnh là một phường thuộc thành phố Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh lỵ Thanh Hóa 4km về phía Nam. Phía Bắc giáp phường Quảng Thắng và phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa); phía Nam giáp xã Quảng Trạch (huyện Quảng Xương); Phía Đông giáp phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) và xã Quảng Tân (huyện Quảng Xương); phía Tây giáp xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa).
Tính đến tháng 6/2021, diện tích tự nhiên của Quảng Thịnh là 4,89km2; dân số gồm 2355 hộ với 9074 khẩu. Tổng số đảng viên hiện nay có 379 đồng chí, sinh hoạt ở 12 cho bộ (8 chi bộ thôn, 3 chi bộ Nhà trường và chi bộ Công an).
Trong những năm qua hệ thống chính trị ở phường từng bước được kiện toàn. Hầu hết các chi bộ đã thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thông qua việc xây dựng, bổ sung và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chất lượng sinh hoạt Đảng được nâng lên, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nhất là cá nhân người đứng đầu được thể hiện rõ nét. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phường thực hiện tốt vai trò giám sát và quản lý điều hành, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới theo hướng: gần dân, sát việc, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của chính quyền, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số phong trào của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát động có sức lan tỏa và tác dụng thiết thực ở các thôn xóm, ngày càng thu hút được nhiều hội viên, đoàn viên tham gia. Quy chế dân chủ cơ sở được mở rộng, phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị ở phường được quan tâm nhiều hơn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Nhờ đó hệ thống chính trị trên địa bàn phường ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, tạo diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng khá, an ninh chính trị được giữ vững; các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân được quan tâm giải quyết, không để xảy ra nguy cơ điểm nóng. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
52
Hôm qua:
101
Tuần này:
759
Tháng này:
6143
Tất cả:
254173

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289