Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Quảng Thịnh  - TP.Thanh Hóa

Di tích lịch sử, văn hoá

Đăng lúc: 14:30:56 02/08/2021 (GMT+7)
100%

 1. Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

Di tích và Danh thắng núi Voi thuộc làng Thọ Sơn, xã Bất Quần, huyện Quảng Xương xưa. Nay thuộc phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa. Núi có vị trí đại lý khá đặc biệt, sát chân núi Voi về phía Tây là sông đào nhà Lê. Xưa kia có bến Phủ, bến Đình, nơi giao lưu buôn bán tấp nập các hàng hóa nông lâm sản: như lạc, đậu mật, đường, luồng, gỗ… từ các tỉnh phía Nam ra, phía Bắc vào. Năm 1996 Di tích Núi Voi được công nhận là di tích cấp tỉnh, đây là một khu quần thể gồm có Chùa Voi, Phủ Voi, nhà che bia hàng huyện, nhà nghè Trịnh Huệ, Núi Voi, cây đa hơn 100 tuổi,với tổng diện tích 6111m2. Cùng với sự tàn phá của chiến tranh, của con người khu quần thể Núi Voi đã bị tàn phá nặng nề, với sự đóng góp của nhân dân, của các nhà hảo tâm và nguồn ngân sách xã, năm 2010 khu quần thể Núi Voi đã được khôi phục và xây dựng lại.

Những di tích nằm trong quần thể núi Voi:

1.1 Chùa Voi (Phúc lâm tự)

Chùa Phúc lâm tự, nhân dân quen gọi là chùa Voi, chùa được lập ngay chân núi Voi vào thời Lê Trung hưng (1533-1789), người có công dựng chùa là Quận công Hoàng Bùi Hoàn, ông tên tự là Phúc Linh, người dân thường gọi là Hoàng Bùi Tướng công hay Quận Vệ Câu Đồng vì ông sinh ra ở Câu Đồng Nội xã Lưu Vệ nay là làng Câu Đồng xã Quảng Trạch-huyện Quảng Xương. Xuất thân trong một gia thế danh gia vọng tộc, nhiều đời làm quan nức tiếng cả vùng.

 Trước đây chùa phía ngoài có gác chuông 8 mái uốn cong, sàn gác chuông lát ván dầy, có lan can gỗ xung quanh, chuông treo trên gác chuông của chùa, đúc vào triều Gia Long (1802-1820). Hai bên gác chuông là vườn chùa, có bia đá, khánh đá chạm khắc tinh xảo, sân chùa lát gạch. Chùa có 7 gian, 5 gian ngoài và 2 gian hậu cung, chùa xây bằng gạch, tường hồi bít đốc

  Trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng thờ, có hoành phi, câu đối, hai pho tượng đá, tọa trên 2 kiệu đá hiện trong chùa còn lại hai pho tượng đá trong cỗ kiệu đá là hai tác phẩm điêu khắc khá đặc sắc và độc đáo. Đó là hình tượng mô phỏng Vệ Quận công Hoàng Bùi Hoàn và quận phu nhân Trịnh Qúy Thị. Đầu đội mũ ni, cổ đeo tràng hạt, thêm chiếc áo tràng vạt và dáng ngồi an vui tự tại, nói lên hai ông bà cùng quy y phật.

Ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, các tiết trong năm bà con các nơi về chùa cúng Phật cầu phúc, cầu may, thắp nén hương thơm tưởng niệm về “người có công với nước và đã dựng chùa, mở chợ”

1.2. Văn miếu huyện Quảng Xương (nhà che bia)

Văn miếu huyện Quảng Xương: là công trình lớn so với chùa, phủ nằm ngay phía đông nam chân Núi Voi, trên dấu vết của văn chỉ làng Thọ Sơn, nhân bàn chuyện văn chương, Trị huyện Quảng Xương Nguyễn lai tập hợp các văn thân, các nhà hằng tâm, hằng sản, quyên góp trong dân; nagyf 12 tháng 5 năm Tân Hợi (1731) thì khởi công xây dựng văn chỉ.

 Theo sách “Đồng Khánh dư địa chí” của nhà Nguyễn thì văn miếu hàng huyện ở  núi voi, là công trình kiến trúc rất bề thế: “có 02 tòa nhà, mỗi tòa nhà 5 gian lợp ngói, tường xây gạch, có 1 cửa tiền”. Tiền thân của văn miếu là văn chỉ, văn chỉ huyện Quảng Xương xây đắp trên cơ sở nền nhà học của trạng nguyên Trịnh Tuệ cũng là nơi ông dạy học. Ngoài bàn thờ đức thánh Khổng, có thể thờ thêm các vị tiến sĩ và những bậc văn tài có công với quốc gia, là người huyện nhà, để nêu cao đọa học, giáo dục truyền thống rèn đức luyện tài của một vùng quê văn hiến. Trước đây văn bia tiến sỹ khắc tên tuổi 8 vị trạng nguyên, bảng nhãn, là những bậc văn tài có công với quốc gia, là những người  thuộc huyện Quảng Xương, khắc bia để nêu cao đạo học, giáo dục truyền thống rèn đức luyện tài của một vùng quê cho con cháu noi theo. Trong chiến tranh bia đã bị người dân lấy để nung vôi. Hiện nay, bia đã được gia đình bà Nguyễn Thị Mùi  thôn Trường Sơn cung tiến và đã được đưa vào nhà che bia.

1.3  Đền thờ Quan Trạng Trịnh Tuệ (Trịnh Huệ)

 Thờ trạng nguyên Trịnh Tuệ, ông sinh năm 1702 mất năm 1767, ông tên thật là Trịnh Huệ, vì trùng tên với vợ Trịnh Sâm là Đặng Thị Huệ nên đã đổi tên thành Trịnh Tuệ. Gia đình ông chuyển cư từ làng Sáo Sơn xã Biện Thượng, nay là xã Vĩnh Hùng-Vĩnh Lộc về chân núi Voi xã Bất Quần, huyện Quảng Xương sinh sống. Khoa thi hương năm Ất Mão niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1735) đời vua Lê Ý Tông, ông đỗ hương cống. Năm Bính Thìn 1736 ông đỗ Trạng Nguyên. Năm Mậu Ngọ 1738 ông được thăng Thượng thư bộ lại, tể tướng trong phủ chúa

Năm 1741, vua dụng phong ông làm Thừa chính sứ Sơn Nam, Tế tửu Quốc tử giám lo công việc đào tạo nhân tài, phát triển khoa cử của đất nước. Về già, ông  tiếp tục về lại chân Núi Voi, xã Bất Quần, nay là làng Voi xã Quảng Thịnh mở trường dạy học lấy tên là Thảo Lư Học Quán.Học trò theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt làm quan. Những trước tác của ông để lại không nhiều, tiêu biểu như bài: “Tam giáo nhất nguyên thuyết” bày tỏ quan điểm Tam giáo đồng nguyên không có gì mới, nó đã được nêu từ các triều trước. Khi ông qua đời, để ghi nhớ công đức của vị trạng nguyên Trịnh Huệ, người thầy người có nhiều đóng góp cho nước, cho dân, bậc hiền tài, người đương thời đã lập đên thờ ông ở chân núi voi liền kề với chùa Phúc Lâm. Khi làm Đốc học Thanh Hóa, Lê Qúy Đôn đã đến thăm đền thờ Trịnh Huệ và khắc tặng biển Trạng nguyên từ

Trịnh Tuệ là bậc đại khoa có thực học thực tài- niềm tự hào của quê hương Quảng Xương. Với học vị Trạng nguyên, ông đặt dấu chấm cuối cùng cho danh hiệu này trong lịch sử thi cử Việt Nam.

 1.4. Phủ Voi:

Phủ Voi xây dựng không biết từ bao giờ, chỉ biết rằng vào năm 1931 đời vua Bảo Đại nhà Nguyễn, phủ được tôn tạo lại, nằm sát chân núi voi về phía Tây. Vị trí Phủ Voi linh thiêng, phủ có 5 gian ngoài thờ các cô, các quan, bà chúa bản phủ trước mặt là sông nhà Lê hiền hòa, phía sau là núi Voi, phủ voi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phía dưới cạnh bờ sông có miếu thờ Mẫu Thoải. Hàng năm từ ngày mùng 1 tháng 3 đến ngày 3 tháng 3 âm lịch làng mở Hội phủ Voi, lễ hội Phủ Voi đã thể hiện tính thống nhất  tôn thờ 1 vị thánh giữa vùng đất thuần nông với đô thị, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung tín ngưỡng tôn giáo dân tộc của nhân dân

1.5. Núi Voi:

Tương truyền là con Voi của Bà Triệu khi thất trận đã chạy về đây và hóa đá, ca ngợi vẻ đẹp của núi Voi, sách Thanh Hóa tỉnh chí của Vương Duy Trinh chép như sau: “Khoe sắc mầu nâu ở chân núi, phơn phớt hồng ở trên cao, nham thạch đá vôi găm kết cùng các nham thạch khác tạo nên những khối đá độc đáo, lạ kỳ. Núi Voi là cả đàn voi, mỗi con mỗi vẻ, dáng voi phục, nhưng không cúi đầu, sẵn sàng tư thế vùng lên”. Trên đỉnh núi có bàn cờ tiên, giếng tiên, hiện nay trên núi còn bút tích bài thơ của Trần Chu Sỹ khắc trên vách núi ở hang Trống  vào mùa đông năm Nhâm Tý niên hiệu Tự Đức 1872. Núi Voi không trơ trọi mà tươi xanh quanh năm bởi những tán đá rất nhiều năm tuổi với bóng cây đa cổ thụ hơn trăm năm, theo các cụ cao niên trong làng khi lớn lên các cụ đã thấy núi Voi cùng với cây đa sừng sững hiên ngang. Từ bao đời nay “dù cho vật đổi sao rời” bà con làng Voi và nhân dân xã Quảng Thịnh rất đang tự hào về Núi Voi bởi nét sơn thủy hữu tình và địa thế linh thiêng.

Khu quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Núi voi không chỉ là chứng tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi ghi lại những chứng tích lịch sử của con người trong khói lửa chiến tranh cách mạng của dân tộc, dù đã bị tàn phá nhiều nhưng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn khu quần thể di tích đã được nâng cấp và sửa chữa nhiều, đặc biệt năm 2010 khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo, tháng 10 năm 2011 đã khánh thành đón nhân dân và khách thập phương tới thăm quan.  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Thịnh đang quyết tâm thực hiện để đưa Khu di tích thành điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Thanh Hóa không chỉ bởi vẻ đẹp linh thiêng mà còn mang tính giáo dục truyền thống  thiết thực bổ ích đối với thế hệ trẻ hôm nay.

 2. Các danh nhân lịch sử, cá nhân điển hình tiên tiến, học sinh có thành tích trong các kỳ thi tỉnh, thành phố

Quảng Thịnh là vùng đất có truyền thống học hành, khoa cử được ca ngợi là đất học của Quảng Xương xưa còn lưu truyền tới nay qua câu: “Phật giáng hạ Yên Đông, Trạng Nguyên sinh tại Bất Quần”. Thời phong kiến, xã Bất Quần (Quảng Thịnh) có số vị đỗ đại khoa cao nhất so với toàn huyện Quảng Xương. Trong tổng số 10 vị đỗ đại khoa ở Quảng Xương (1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 3 Hoàng giáp, 5 Tiến sĩ) xã Bất Quần chiếm 4 vị được lưu tên “Bia văn miếu huyện Quảng Xương” gồm:

* Trạng nguyên Trịnh Huệ: (còn có tên là Trịnh Tuệ) hiệu là Cúc Lam và Tịnh Tâm cư sĩ. Ông sinh năm 1702 tại làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc( nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) và là con cháu của Chúa Trịnh. Trịnh Huệ đõ trạng nguyên khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ hai 1736 đời vua Lê Ý Tông. Nghỉ hưu, Trịnh Tuệ  về lại Núi Voi ở xã Bất Quần dạy học. Học trò theo ông rất đông, nhiều người đề đạt làm quan và chính họ cũng ngưỡng mộ dựng đền thờ tưởng nhớ người thầy - vị Trạng nguyên tài danh của quê hương, đất nước.

* Bảng nhãn Nguyễn Văn Bích: người thôn Ngọc Am, xã Bất Quần. Năm 40 tuổi, ông đỗ Bảng nhãn (khoa Kỷ Hợi 1659) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 đời vua Lê Thần Tông. Ông làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư kiêm Tri kinh diên viện sự.

* Hoàng giáp Nguyễn Văn Khuê: (Nguyễn Công Khuê) sinh năm 1608, quê thôn Ngọc Am, xã Bất Quần. Năm 32 tuổi, niên hiệu Hoằng Định thứ 11 (1601), khoa Canh Tuất - đời vua Lê Kính Tông, ông đỗ Hoàng Giáp, làm quan tới chức Kiêm đô ngự sử.

* Tiến sỹ Nguyễn Đình Chính: sinh năm 1608, quê thôn Trường Tại (còn gọi là Thọ Sơn), xã Bất Quần. Ông đỗ Tiến sĩ năm 45 tuổi, niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652) khoa Nhâm Thìn - đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức Sơn Nam đạo thừa chính sứ.

    Với tinh thần hiếu học Quảng Thịnh còn có nhiều người đỗ Hương cống và làng nào cũng có tú tài, các làng ở xã Quảng Thịnh luôn coi trọng việc học hành khoa cử. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó trong những năm qua công tác Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn xã tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học trong các nhà trường. Chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ năm học, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh các cấp. Trong những năm qua Quảng Thịnh có nhiều em đạt thành tích cao trong học tập đạt các giải cấp thành phố, cấp tỉnh như: em Trần Thị Nhung giải nhì môn Địa lý cấp thành phố, em Vũ Thị Phương Thảo giải nhì môn Ngữ văn cấp TP, Em Đàm Ngọc Kiên giải nhì môn toán tuổi thơ cấp thành phố, em Hà Đàm Mỹ Duyên môn Tiếng Anh giải ba cấp thành phố, …

Đặc biệt hàng năm các cháu đậu vào các trường Đại học, cao đẳng không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước, trong đó có em Vũ Đức Anh là Thủ khoa trường Đại học Bách khoa Hà Nội (năm học 2019-2020) đó là niềm vinh dự cũng như là niềm tự hào của một vùng quê hiếu học Quảng Thịnh.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
73
Hôm qua:
159
Tuần này:
861
Tháng này:
467
Tất cả:
256815

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289